0906.100.211

Cắt bê tông tường vây tạo lỗ thông hầm.

Trong thi công xây dựng và mở rộng thì việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tường vây là việc làm rất bình thường, nhưng đối với các dự án cải tạo mở rộng thì việc cắt tường vây là việc làm gây nhức nhối nhất cho nhà thầu. Một biện pháp thi công nhanh gọn, đảm bảo an toàn, gây ít tiếng ồn nhất và với chi phí hợp lý nhất luôn là tiêu chí hàng đầu. Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu một biện pháp thi công đáp ứng được tối đa các tiêu chí trên.

Cắt tường vây bằng dây kim cương:

Là phương án dùng máy cắt dây kim cương để thi công cắt tường vây thành từng miếng nhỏ với kích thước vừa đủ để balang hoặc các thiết bị di dời có thể làm việc. Như các bài chia sẻ trước thì chúng ta có thể thấy được rất nhiều ứng dụng hiệu quả khi sử dụng máy cắt dây vào thi công như: cắt tường bê tông, cắt nền bê tông, cắt cọc dưới nước…

Các bước thi công:

Bước 1: Chuẩn bị

– Bố trí mặt bằng thi công thông thoáng, thuận lợi.
– Tập kết đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình thi công cắt tường vây tạo lỗ thông hầm bằng dây kim cương.
– Định vị: đây là công đoạn thường do kỹ thuật của bên giao thầu đảm trách, đánh dấu toàn bộ các vị trí tường vây cần cắt bỏ. Tất cả các vị trí cần được rõ ràng, có bản vẽ chi tiết và thống nhất giữa 2 bên.

Bước 2: Bố trí máy cắt dây và thi công

Máy cắt dây được lắp đặt vào vị trí thi công, dây cắt được định vị trùng khớp với những điểm đánh dấu. Dây cắt kim cương được luồn qua bằng lỗ khoan rút lõi bê tông D50mm đã khoan sẵn trước đó. Thông thường để có được đường cắt thẳng đẹp thì công việc bắt buộc là phải tạo rãnh mẫu, tức là dùng máy cắt đĩa cầm tay cắt định vị các điểm thành đường thẳng hằn theo  bề mặt bê tông trước khi cho máy cắt dây vận hành.

Bước 3: Bố trí điểm hạ hoặc thiết bị hạ

Tùy thuộc vào từng mặt bằng thi công để chúng ta có thể sử dụng thiết bị nâng hạ phù hợp. Đối với những mặt bằng thông thoáng và sàn chịu lực tốt thì có thể sử dụng xe nâng hoặc xe cẩu. Nhưng ở đây chúng tôi giới thiệu phương án đơn giản và hiệu quả cho tất cả các trường hợp, kể cả những vị trí chật hẹp. Đó là sử dụng balang xích để hạ tấm bê tông đã cắt một cách an toàn nhất.

Balang sẽ được bắt chặt vào vị trí phía trên tấm bê tông (xem hình), khoảng cách đến điểm phía trên của bê tông tối thiểu 800mm. Một phần của balang sẽ được bắt vào phần trên của tấm bê tông, thông thường sẽ được giữ bằng miếng “bát”.

Tùy thuộc vào sức chịu tải của balang và trọng lượng của khối bê tông để bố trí số lượng và loại balang phù hợp. Công thức được sử dụng là: Sức chịu tải của balang > trọng lượng của khối bê tông. Cụ thể như loại balang 3,5 tấn thì có thể cẩu hạ được một khối bê tông có trọng lượng tương đương 2,5 tấn. Đối với loại balang nhỏ hơn có thể bố trí thêm để hỗ trợ hạ tấm bê tông an toàn.

Bước 4: Hạ tấm bê tông:

Khi mọi công đoạn phía trên đã hoàn tất thì việc quan trọng nhất là hạ tấm bê tông có trọng lượng lớn này xuống sàn an toàn là rất khó khăn. Để giảm thiểu tối đa tình huống xấu, chúng ta sẽ bố trí các vỏ ô tô (lốp ô tô) gần nhau xuống sàn ngay tại vị trí hạ. Mật độ càng dầy thì sức chịu tải của nó càng tốt.

Dùng ba lang kết hợp thiết bị đẩy phía sau để di chuyển miếng bê tông rời khỏi vị trí và được hạ từ từ bằng balang xích, công đoạn này phải được thi công nhịp nhàng và chính xác.

Sau khi tấm bê tông được hạ xuống thì dùng nâng tay để di chuyển tấm bê tông này tới vị trí tập kết, đối với những miếng bê tông lớn có thể sử dụng máy cắt dây để chia nhỏ một lần nữa để tiện cho việc di chuyển ra ngoài.

Những lưu ý khi thi công:

– Công nhân thi công phải được trang bị đầy đủ dụng cụ an toàn bảo hộ lao động cũng như được huấn luyện về an toàn trước khi vào thi công. Chỉ những người có kinh nghiệm mới được điều khiển máy và tham gia vào công tác thi công này.
– Cần xác định và tính toán kỹ trọng lượng của khối bê tông hạ xuống để luôn đảm bảo rằng thiết bị nâng hạ sẽ đủ tải để thi công an toàn.
– Sử dụng nước liên tục vào quá trình cắt để giảm ma sát gây nóng dây và phát bụi ra xung quanh.